“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Kho tàng văn học dân gian được xem như thứ tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, là bảo tàng văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Thiết nghĩ mảng văn học ấy cần phải được gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa trong đời sống cộng đồng hôm nay.
Với mục đích giáo dục cho học sinh, lòng tự hào dân tộc và tri ân các bậc tiền nhân, hướng đến kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023 và ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), chiều ngày 24/04/2023 tổ Khoa học xã hội của trường Tiểu học & THCS Nguyễn Khuyến đã tổ chức thành buổi ngoại khóa “Sân khấu hoá văn học dân gian”.
Buổi ngoại khóa đã đem đến cho người xem nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị bằng việc chuyển thể các văn bản văn học thành các hình thức nghệ thuật khác nhau trình diễn trên sân khấu do học sinh các khối lớp 4 đến khối lớp 8 thực hiện với 3 tác phẩm:
1. Con rồng cháu tiên – Khối 6
2. Bánh Chưng Bánh Giầy – Khối 7,8
3. Sơn Tinh, Thủy Tinh – Khối 4,5
Chương trình là sự kết hợp hài hòa giữa ca hát, múa cùng nhạc kịch, sự chuẩn bị kĩ lưỡng của đội ngũ hậu cần cùng các thầy cô đã đem đến một buổi trải nghiệm “học mà chơi, chơi mà học” độc đáo, giúp học sinh thư giãn sau những giờ học sách vở thông thường trên lớp. Mỗi tập thể mang trong mình cái chất riêng đã thổi hồn đương đại vào những tác phẩm văn học dân gian tưởng chừng như đã quá quen thuộc và không còn sức hút với giới trẻ, xen vào không khí hóm hỉnh, vui tươi, tất cả đã góp phần giúp chương trình thành công rực rỡ.
Ngoài việc giúp các bạn hiểu thêm về sự phong phú và đậm chất giản dị của nền văn học Việt Nam, truyền tải được sức sống xưa vào không khí hiện đại, sân khấu hóa văn học dân gian đã phần nào củng cố thêm những kĩ năng mềm, sự tự tin cùng tính trách nhiệm của những thành viên trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình tổ chức, từ đó tạo nên một trải nghiệm học ngoài giờ không thể nào cuốn hút và thú vị hơn, với toàn trường nói chung và cá nhân mỗi học sinh nói riêng đồng thời tái hiện lại nhiều nét truyền thống qua những màn trình diễn đa dạng, mới mẻ.
Ngoài ra, đây cũng là sân chơi bổ ích, tạo sự hứng thú, khơi gợi cho các em niềm vui trong học tập môn Ngữ văn, làm cho văn học dân gian trở nên sống động, gần gũi với học sinh, làm sống dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam. Và là cơ hội để các em thể hiện những sở trường, khả năng của mình như ca hát, múa, kịch, cải lương...
Sau đây là 1 số hình ảnh của buổi ngoại khóa.
Ban truyền thông
In