02623.67.79.79
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

NGÀY 27/2 NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM – TRI ÂN NHỮNG CHIỄN SĨ ÁO TRẮNG

Cập nhật lúc: 26/02/2022 191294

     Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đến Hội nghị cán bộ ngành y tế để tuyên dương những thành tích của các y bác sĩ trong công tác chữa bệnh cứu người.

 

 

     Trong thư, Bác Hồ đã viết:


“– Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế – từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân– Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”.Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ. 

Chào thân ái và thành công."

 

     Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 6/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và cũng kể từ đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống.

 

     Sự kéo dài của dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay khiến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã bị tác động tiêu cực trong thời gian dài. Trong hành trình của tháng ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go. Chúng ta tự hào về những điều này. Đúng như câu tục ngữ “Sinh ra trong cõi hồng trần - Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”.

     Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí nhiễm bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu chống dịch bệnh, vaccine còn ít. Những con người ấy đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch. Những con người ấy đã quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên ngày quên tháng, quên Thứ Bảy, Chủ Nhật, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử… Nhưng đổi lại, họ cảm thấy ấm áp, vui mừng, tự tin khi từng bệnh nhân khỏi bệnh… Và những con người ấy dẫu có nghị lực kiên cường đến đâu cũng đã rơi nước mắt khi những bệnh nhân nặng không qua khỏi… Tất cả tiếp thêm nghị lực cho họ để sống đúng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng cũng chính trong hành trình gian nan ấy, chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em đã bị nhiễm bệnh và có những người đã ra đi mãi mãi. Không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y, đặc biệt là của những y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân.

 

 

     Dù môi trường làm việc luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo, dù phải làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ dưới thời tiết khắc nghiệt, trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và cũng bởi vì mang trên mình sứ mệnh cao cả của Ngành Y, những “chiến sỹ áo trắng”  quyết không chùn bước, sẵn sàng hy sinh lợi ích, hạnh phúc riêng, quên đi sức khoẻ bản thân vì sức khỏe của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Những người thầy thuốc khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, họ không chỉ là bác sỹ, họ còn là chiến sỹ, là những người anh hùng của cuộc chiến và luôn tận tuỵ chăm sóc, chữa trị cho người bệnh bằng tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệmHơn lúc nào hết, sự chia sẻ, khích lệ động viên tinh thần từ cộng đồng chính là nguồn cổ vũ lớn lao tiếp thêm sức mạnh để những “chiến sỹ áo trắng”  thêm vững tin, kiên cường trên mặt trận chống dịch bệnh Covid-19.

 

 

     Đây là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Nhân kỉ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022), xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy thuốc, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và những người đang công tác trong ngành y lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thật nhiều thành công trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 CẢM ƠN NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG!

Ban truyền thông!

In

Đăng ký nhận tư vấn

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN
2020 NguyenKhuyen School BMT. All rights reserved