CHUYÊN ĐỀ
“PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC VÀ BẮT CÓC TRẺ EM”
Trong số hơn 6000 vụ xâm hại trẻ em thì số vụ xâm hại do người quen, người thân gây ra đang có xu hướng gia tăng.
Đây là số liệu đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo giám sát cho biết, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.Đáng chú ý, riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 em, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, diễn biến rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Câu chuyện lạm dụng tình dục và xâm hại trẻ em đang là chủ đề chính mà mỗi người làm cha mẹ đang lo lắng. Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với nạn nhân trẻ em trên nhiều phương diện. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, các em bé bị lạm dụng tình dục từ nhỏ thường có biểu hiện lệch lạc về nhân cách, cô đơn, tự ti và có xu hướng sống cực đoan, những trẻ này lớn lên sẽ rất khó hòa nhập với môi trường sống chung.
Độ tuổi trung bình của trẻ bị xâm hại là 9 tuổi, con số này khiến nhiều người giật mình. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới (chiếm trên 95%) và là người ruột thịt, người thân thích, người quen biết với trẻ em.
Đối với trẻ quá nhỏ, các em chưa nhận thức được việc mình bị lạm dụng cho đến khi người lớn phát hiện. Với trẻ lớn hơn, dù biết bị lạm dụng nhưng có thể vì sốc tâm lý, sợ bạn bè kỳ thị nên các em không dám nói ra. Về phía gia đình nạn nhân, đôi khi vì sợ dư luận mà họ chọn cách im lặng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ trẻ em bị lạm dụng không bị phát giác, tố cáo, để lại hậu quả đáng tiếc. Do đó, trách nhiệm của gia đình, cơ sở giáo dục và ý thức tự bảo vệ của trẻ cần được đặt lên hàng đầu.
Tại Việt Nam khi xã hội đã phát triển, câu chuyện lạm dụng quấy rối tình dục, đặc biệt là với trẻ em đang âm thầm diễn ra trong cuộc sống. Trong khi chờ đời luật pháp nghiêm minh hơn thì hơn ai hết, những bậc làm cha, làm mẹ và những người làm công tác giáo dục cần giúp trẻ biết cách tự bảo vệ mình.
Nhận thức được vấn đề đó, trường Tiểu họcj và Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến tổ chuyên đề “Phòng tránh xâm hại ở trẻ em” cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhằm trang bị cho học sinh một số kiến thức cơ bản thức về giới tính, giúp các em nhận thức được cơ thể của các em thuộc về các em, nhận biết các hình thức xâm hại tình dục và một số kỹ năng phòng tránh trước những hành vi xâm hại tình dục của các đối tượng xấu, một số kĩ năng để đảm bảo an toàn cho bản thân trước nạn bắt cóc đang diễn ra bên ngoài xã hội. Ngoài ra, chuyên đề cũng giúp học sinh biết những cá nhân, tổ chức và số điện thoại của cá nhân, tổ chức HS có thể gọi khi bị xâm hại.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi chuyên đề được tổ chức tại Trường
Các bạn học sinh khối lớp 1 lớp 2 đang chăm chú lắng nghe
Các bạn hào hứng tham gia trả lời các câu hỏi tình huống
Các bạn đang thực hành chỉ các vùng riêng tư của cơ thể
Thực hành những nội dung đã được học thông qua chuyên đề
Thời gian của buổi chuyên đề tuy không nhiều, nhưng với tinh thần nghiêm túc học hỏi của các em, chúng tôi tin rằng các em đã có được những bài học bổ ích cho chính mình
Hy vọng rằng các tiết chuyên đề này đã bước đầu trang bị được cho các em những kiến thức và kĩ năng cơ bản để phòng tránh sự xâm hại, giúp các em tránh khỏi những hiểm nguy của xã hội hiện nay. Việc các em được an toàn, lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc không chỉ là sự mong mỏi của các bậc làm cha, làm mẹ, mà cũng là một nỗi niềm mong mỏi tha thiết của những người làm thầy như chúng tôi.
Hãy nhớ rằng em không phải là người có lỗi khi bị xâm hại tình dục.
Hãy nhớ rằng em có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để được an toàn.
TỔNG ĐÀI QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM: 111
Người viết
Hồ Thị Lam
In